Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC

BỘ TƯ PHÁP - BỘ CÔNG AN - BỘ QUỐC PHÒNG - BỘ TÀI CHÍNH - TÒA ÁN NHÂN DÂN TI CAO- VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TI CAO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc 
---------------

Số: 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC

Hà Nội, ngày 29 tháng 6 năm 2018

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

QUY ĐỊNH VỀ PHỐI HỢP THỰC HIỆN TRỢ GIÚP PHÁP LÝ TRONG HOẠT ĐỘNG TỐ TỤNG

Căn cứ Luật Trợ giúp pháp lý ngày 20 tháng 6 năm 2017;

Căn cứ Bộ luật ttụng hình sự ngày 27 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Bộ luật tố tụng dân sự ngày 25 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Luật tố tụng hành chính ngày 25 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Luật thi hành tạm giữ, tạm giam ngày 25 tháng 11 năm 2015;

Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Tài chính và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành Thông tư liên tịch quy định về phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư liên tịch này quy định về phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng nhằm bảo đảm quyền của người được trợ giúp pháp lý; đăng ký, từ chối, hủy bỏ việc đăng ký bào chữa; đăng ký, từ chối việc đăng ký người bảo vệ quyền và lợi ích hp pháp của đương sự; chỉ định người bào chữa cho người bị buộc tội là người thuộc diện được trợ giúp pháp lý và kinh phí phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư liên tịch này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức và cá nhân sau đây:

1. Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng theo quy định của pháp luật về tố tụng.

2. Người có thẩm quyền tiến hành tố tụng theo quy định của pháp luật về tố tụng.

3. Cơ sở giam giữ và trại giam.

4. Giám thị, Phó Giám thị, Trưởng phân trại, Phó Trưởng phân trại, Đội trưởng, Phó Đội trưởng và người làm nhiệm vụ quản giáo trong trại tạm giam; Trưởng nhà tạm giữ, Phó Trưởng nhà tạm giữ và người làm nhiệm vụ quản giáo trong nhà tạm giữ; Đồn trưởng đồn biên phòng nơi có buồng tạm giữ thuộc đồn biên phòng, Trưởng buồng tạm giữ thuộc đồn biên phòng (sau đây viết tắt là người có thẩm quyền của cơ sở giam giữ); Giám thị, Phó Giám thị, Trưởng phân trại, Phó Trưởng phân trại, Đội trưởng, Phó Đội trưởng và người làm nhiệm vụ quản giáo trong trại giam (sau đây viết tắt là người có thẩm quyền của trại giam).

5. Cơ quan thực hiện quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý.

6. Tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý bao gồm Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước (sau đây viết tắt là Trung tâm), Chi nhánh của Trung tâm (sau đây viết tắt là Chi nhánh); tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý.

7. Người thực hiện trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng bao gồm:

a) Trợ giúp viên pháp lý;

b) Luật sư bao gồm luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý theo hợp đồng với Trung tâm (sau đây viết tắt là luật sư ký hợp đồng với Trung tâm); luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý theo phân công của tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý (sau đây viết tắt là luật sư của tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý).

8. Người được trợ giúp pháp lý và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan trong việc phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng.

Chương II

TRÁCH NHIỆM PHỐI HỢP CỦA TỔ CHỨC THỰC HIỆN TRỢ GIÚP PHÁP LÝ VÀ NGƯỜI THỰC HIỆN TRỢ GIÚP PHÁP LÝ

Điều 3. Trách nhiệm của Trung tâm và Chi nhánh

1. Cử, thay thế trợ giúp viên pháp lý, luật sư ký hợp đồng với Trung tâm theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý.

2. Cung cấp cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, cơ sở giam giữ và trại giam:

a) Bảng thông tin về trợ giúp pháp lý, Tờ thông tin về trợ giúp pháp lý (trong đó có các nội dung về người được trợ giúp pháp lý; quyền và nghĩa vụ của người được trợ giúp pháp lý; địa chỉ, điện thoại liên hệ của Trung tâm, Chi nhánh); Hộp tin trợ giúp pháp lý; tờ gấp pháp luật;

b) Đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý; Bản thông tin về người được trợ giúp pháp lý, Biên bản giải thích về quyền được trợ giúp pháp lý miễn phí của người bị buộc tội, người bị hại, đương sự thuộc diện được trợ giúp pháp lý, Thông báo về trợ giúp pháp lý, Thông tin về trợ giúp pháp lý và Sổ theo dõi vụ việc trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng theo các Mu số 01, 02, 03, 04 và 05 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch này;

c) Danh sách, số điện thoại của trợ giúp viên pháp lý, luật sư ký hợp đồng với Trung tâm.

3. Cung cấp cho cơ sở giam giữ băng ghi âm, đĩa ghi âm, USB hoặc phương tiện khác có chứa nội dung thông tin về trợ giúp pháp lý dạng âm thanh (MP3, WMA hoặc WMV).

4. Trường hợp nhận được thông báo của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thì Trung tâm, Chi nhánh có trách nhiệm cử người thực hiện trợ giúp pháp lý trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo. Nếu vụ việc thuộc trường hợp thụ lý ngay thì Trung tâm, Chi nhánh cử ngay người thực hiện trợ giúp pháp lý cho người được trợ giúp pháp lý.

Trường hợp nhận được thông báo, thông tin của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thì Trung tâm, Chi nhánh có trách nhiệm kiểm tra diện người được trợ giúp pháp lý đối với người bị buộc tội, người bị hại, đương sự, cử người thực hiện trợ giúp pháp lý nếu họ là người được trợ giúp pháp lý, thông tin lại cho cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng chuyển đến biết nếu họ không thuộc diện được trợ giúp pháp lý hoặc không có yêu cầu trợ giúp pháp lý.

5. Phối hợp thực hiện các hoạt động truyền thông và hướng dẫn về trợ giúp pháp lý.

Điều 4. Trách nhiệm của tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý

1. Cử, thay thế luật sư của tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý.

2. Cung cấp địa chỉ, điện thoại liên hệ của tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý và danh sách luật sư của tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, cơ sở giam giữ, trại giam.

Điều 5. Trách nhiệm của người thực hiện trợ giúp pháp lý khi tham gia tố tụng

1. Trợ giúp viên pháp lý, luật sư tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa hoặc người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được trợ giúp pháp lý thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật về tố tụng và pháp luật về trợ giúp pháp lý.

2. Trong tố tụng hình sự, người thực hiện trợ giúp pháp lý không được bào chữa, không tiếp tục thực hiện hoặc phải từ chối thực hiện trợ giúp pháp lý trong các trường hợp sau đây:

a) Thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 72 của Bộ luật tố tụng hình sự;

b) Thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 25 của Luật Trợ giúp pháp lý.

3. Trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, người thực hiện trợ giúp pháp lý không tiếp tục thực hiện hoặc phải từ chối thực hiện trợ giúp pháp lý theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều này.

4. Người thực hiện trợ giúp pháp lý có quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật về tố tụng, đồng thời báo cáo tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý nếu phát hiện người tiến hành tố tụng có quyết định, hành vi tố tụng trái pháp luật, xâm hại quyền và lợi ích hp pháp của người được trợ giúp pháp lý.

Điều 6. Thay thế người thực hiện trợ giúp pháp lý khi tham gia tố tụng

1. Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được văn bản từ chối việc đăng ký bào chữa hoặc không quá 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản từ chối việc đăng ký người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý có trách nhiệm cử người thực hiện trợ giúp pháp lý thay thế.

2. Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được thông báo hủy bỏ việc đăng ký bào chữa của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý cử người thực hiện trợ giúp pháp lý thay thế.

3. Trường hợp không đồng ý với việc từ chối, hủy bỏ của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này thì tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý bị từ chối, hủy bỏ có quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật về tố tụng nhưng tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý vẫn có trách nhiệm cử người thực hiện trợ giúp pháp lý thay thế để bảo đảm quyền lợi cho người được trợ giúp pháp lý.

Chương III

TRÁCH NHIỆM PHỐI HỢP CỦA CƠ QUAN, NGƯỜI CÓ THẨM QUYỀN TIẾN HÀNH TỐ TỤNG; CƠ SỞ GIAM GIỮ, TRẠI GIAM, NGƯỜI CÓ THẨM QUYỀN CỦA CƠ SỞ GIAM GIỮ, TRẠI GIAM

Điều 7. Giải thích, thông báo, thông tin về trợ giúp pháp lý

1. Giải thích về quyền được trợ giúp pháp lý

a) Tại thời điểm bắt, tạm giữ người, lấy lời khai, hỏi cung bị can, lấy lời khai của người bị hại, lấy lời khai của đương sự, đương sự nộp đơn trực tiếp tại Tòa án hoặc tại thời điểm gửi thông báo thụ lý vụ án, thông báo thụ lý đơn yêu cầu, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm chuyển cho họ đọc Bản thông tin về người được trợ giúp pháp lý theo Mu số 01 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch này. Trường hợp họ không tự đọc được thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm thông báo cho họ biết.

Trường hợp họ tự nhận mình là người được trợ giúp pháp lý thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm giải thích về quyền được trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý và pháp luật về tố tụng. Việc giải thích được thực hiện kịp thời, đầy đủ, bằng ngôn ngữ dễ hiểu để họ hiểu rõ về quyền được trợ giúp pháp lý miễn phí;

b) Trong tố tụng hình sự, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm đọc, hướng dẫn cụ thể nội dung và điền thông tin vào Biên bản giải thích về quyền được trợ giúp pháp lý miễn phí của người bị buộc tội, người bị hại, đương sự thuộc diện được trợ giúp pháp lý theo Mu số 02 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch này. Biên bản giải thích được lưu tại hồ sơ vụ án;

c) Trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, người tiến hành tố tụng giải thích cho đương sự về quyền được trợ giúp pháp lý;

d) Việc khiếu nại liên quan đến giải thích quyền được trợ giúp pháp lý được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng.

2. Thông báo, thông tin về trợ giúp pháp lý

a) Trong tố tụng hình sự, việc thông báo, thông tin về trợ giúp pháp lý được thực hiện như sau:

Trường hợp người bị buộc tội, người bị hại, đương sự tự nhận mình là người được trợ giúp pháp lý theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này và có yêu cầu trợ giúp pháp lý thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm thông báo cho Trung tâm, Chi nhánh để thực hiện các quy định tại khoản 4 Điều 3 của Thông tư liên tịch này. Việc thông báo được thực hiện theo Mu số 03 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch này, ghi vào biên bản tố tụng và lưu tại hồ sơ vụ án.

Đối với người bị bắt, người bị tạm giữ, ngoài việc thông báo bằng văn bản thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thông báo ngay bằng điện thoại cho Trung tâm, Chi nhánh.

Trường hợp người bị buộc tội, người bị hại, đương sự tự nhận mình là người được trợ giúp pháp lý và chưa có yêu cầu trợ giúp pháp lý thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm thông tin cho Trung tâm, Chi nhánh biết để thực hiện các quy định tại khoản 4 Điều 3 của Thông tư liên tịch này. Việc thông tin được thực hiện theo Mu số 04 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch này;

b) Trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, việc thông báo, thông tin về trợ giúp pháp lý được thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều này, trừ trường hợp việc thông báo về trợ giúp pháp lý không phải ghi vào biên bản tố tụng.

3. Trường hợp chỉ định người bào chữa cho người bị buộc tội thuộc diện được trợ giúp pháp lý theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, nếu người bị buộc tội, người đại diện hoặc người thân thích của họ không mời người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng đề nghị Trung tâm, Chi nhánh cử ngay người thực hiện trợ giúp pháp lý bào chữa cho họ. Việc đề nghị được thực hiện bằng văn bản thông báo theo Mu số 03 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch này.

Điều 8. Trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng

1. Giải thích, thông báo, thông tin về trợ giúp pháp lý theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 7 của Thông tư liên tịch này.

2. Đăng ký, từ chối, hủy bỏ việc đăng ký bào chữa; đăng ký, từ chối việc đăng ký người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự theo quy định tại Điều 12, Điều 14 và Điều 15 của Thông tư liên tịch này.

3. Thực hiện việc thống kê vào Sổ theo dõi vụ việc trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng theo Mu số 05 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch này.

4. Niêm yết Bảng thông tin về trợ giúp pháp lý, đặt Hộp tin trợ giúp pháp lý; phát miễn phí tờ gấp pháp luật, đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý.

5. Đề nghị Trung tâm, Chi nhánh phối hợp thực hiện các hoạt động truyền thông và hướng dẫn về trợ giúp pháp lý.

6. Trong quá trình tham gia tố tụng, nếu phát hiện người thực hiện trợ giúp pháp lý có hành vi vi phạm pháp luật thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng xử lý theo quy định của pháp luật và thông báo cho tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý để kịp thời xử lý theo thẩm quyền và thay thế người thực hiện trợ giúp pháp lý.

7. Giao các văn bản tố tụng cho người thực hiện trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng trong vụ án, vụ việc theo quy định của pháp luật về tố tụng.

8. Bảo đảm cho người thực hiện trợ giúp pháp lý khi tham gia tố tụng thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của người bào chữa hoặc người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật về tố tụng và pháp luật về trợ giúp pháp lý.

9. Khuyến khích Cơ quan điều tra, Tòa án các cấp tạo điều kiện cho người thực hiện trợ giúp pháp lý trực tại các cơ quan này phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương để người được trợ giúp pháp lý biết và sử dụng dịch vụ trợ giúp pháp lý kịp thời.

Điều 9. Trách nhiệm của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng

1. Giải thích, thông báo, thông tin về trợ giúp pháp lý theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 7 của Thông tư liên tịch này.

2. Thông báo trước về thời gian, địa điểm lấy lời khai, hỏi cung và thời gian, địa điểm tiến hành hoạt động điều tra khác theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự cho người thực hiện trợ giúp pháp lý.

3. Đối với việc xét xử:

a) Thông báo lịch xét xử bằng văn bản qua dịch vụ bưu chính dưới hình thức bảo đảm, chuyển trực tiếp hoặc bằng hình thức khác cho tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và người thực hiện trợ giúp pháp lý đã đăng ký bào chữa, đăng ký người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự ít nhất 10 ngày trước ngày xét xử, đối với việc xét xử theo thủ tục rút gọn thì ít nhất 07 ngày trước ngày xét xử;

b) Ghi rõ trong bản án, quyết định họ và tên, chức danh của người thực hiện trợ giúp pháp lý do tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý cử và ghi rõ ý kiến hoặc quan điểm bào chữa hoặc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ cho người được trợ giúp pháp lý.

4. Xác nhận về thời gian hoặc công việc của người thực hiện trợ giúp pháp lý khi làm việc với cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

Điều 10. Trách nhiệm của cơ sở giam giữ, trại giam

1. Cơ sở giam giữ có trách nhiệm:

a) Giải thích, thông báo, thông tin về trợ giúp pháp lý theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 7 của Thông tư liên tịch này cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam thuộc diện được trợ giúp pháp lý;

b) Thực hiện các hoạt động theo quy định tại khoản 3, khoản 4 và khoản 5 Điều 8 của Thông tư liên tịch này;

c) Niêm yết Tờ thông tin về trợ giúp pháp lý trong buồng tạm giữ, buồng tạm giam, tại nơi làm thủ tục tiếp nhận người bị tạm giữ, người bị tạm giam, phòng thăm gặp, phòng làm việc của người bào chữa và nơi sinh hoạt chung của người bị tạm giữ, người bị tạm giam; phát qua các phương tiện truyền thanh của cơ sở giam giữ băng ghi âm, đĩa ghi âm, USB hoặc phương tiện khác có chứa nội dung thông tin về trợ giúp pháp lý dạng âm thanh (MP3, WMA hoặc WMV) tại nơi sinh hoạt chung của người bị tạm giữ, người bị tạm giam.

2. Trại giam có trách nhiệm:

a) Giải thích, thông báo, thông tin về trợ giúp pháp lý theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 7 của Thông tư liên tịch này cho phạm nhân thuộc diện được trợ giúp pháp lý đang chấp hành án tại trại giam là người bị buộc tội, bị hại hoặc đương sự trong vụ án khác do có hành vi phạm tội, xâm hại hoặc có liên quan đến vụ án trước khi chấp hành án;

b) Thực hiện việc thống kê vào Sổ theo dõi vụ việc trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng theo quy định tại khoản 3 Điều 8 của Thông tư liên tịch này.

Điều 11. Trách nhiệm của người có thẩm quyền của cơ sở giam giữ, trại giam

1. Người có thẩm quyền của cơ sở giam giữ có trách nhiệm:

a) Thực hiện quy định tại điểm a khoản 1 Điều 10 của Thông tư liên tịch này.

Khi người bị tạm giữ, người bị tạm giam có yêu cầu trợ giúp pháp lý, người có thẩm quyền của cơ sở giam giữ có trách nhiệm hướng dẫn họ viết đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý và chuyển đến Trung tâm, Chi nhánh cùng với thông báo quy định tại khoản 2 Điều 7 của Thông tư liên tịch này;

b) Tạo điều kiện thuận lợi cho người thực hiện trợ giúp pháp lý gặp gỡ, tiếp xúc với người bị tạm giữ, người bị tạm giam theo quy định của pháp luật;

c) Xác nhận về thời gian người thực hiện trợ giúp pháp lý gặp gỡ, tiếp xúc với người bị tạm giữ, người bị tạm giam.

2. Người có thẩm quyền của trại giam có trách nhiệm thực hiện quy định tại điểm a khoản 2 Điều 10 của Thông tư liên tịch này.

Chương IV

ĐĂNG KÝ, TỪ CHỐI, HỦY BỎ VIỆC ĐĂNG KÝ BÀO CHỮA; ĐĂNG KÝ, TỪ CHỐI VIỆC ĐĂNG KÝ NGƯỜI BẢO VỆ QUYỀN VÀ LỢI ÍCH HỢP PHÁP CỦA ĐƯƠNG SỰ

Điều 12. Đăng ký bào chữa, đăng ký người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự

1. Trong tố tụng hình sự, việc đăng ký bào chữa được thực hiện như sau:

a) Trợ giúp viên pháp lý, luật sư ký hợp đồng với Trung tâm xuất trình Thẻ trợ giúp viên pháp lý hoặc Thẻ luật sư kèm theo bản sao có chứng thực và văn bản cử người thực hiện trợ giúp pháp lý của Trung tâm hoặc Chi nhánh;

b) Luật sư của tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý xuất trình Thẻ luật sư kèm theo bản sao có chứng thực và văn bản cử luật sư của tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý nơi luật sư đó hành nghề, làm việc;

c) Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận đủ giấy tờ theo quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản 1 Điều này, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm kiểm tra giấy tờ, nếu thấy không thuộc trường hợp từ chối việc đăng ký bào chữa thì vào sổ đăng ký bào chữa, gửi ngay văn bản thông báo người bào chữa cho tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý và lưu giấy tờ liên quan đến việc đăng ký bào chữa vào hồ sơ vụ án; nếu thấy không đủ điều kiện thì từ chối việc đăng ký bào chữa.

2. Trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, việc đăng ký người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự được thực hiện như sau:

a) Trợ giúp viên pháp lý, luật sư ký hợp đồng với Trung tâm xuất trình Thẻ trợ giúp viên pháp lý hoặc Thẻ luật sư và văn bản cử người thực hiện trợ giúp pháp lý của Trung tâm hoặc Chi nhánh;

b) Luật sư của tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý xuất trình Thẻ luật sư và văn bản cử luật sư của tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý nơi luật sư đó hành nghề, làm việc;

c) Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ giấy tờ theo quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản 2 Điều này, Tòa án phải vào sổ đăng ký người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, xác nhận vào giấy yêu cầu người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự và gửi lại cho tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý, nếu thấy không đủ điều kiện thì từ chối việc đăng ký người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.

3. Trường hợp trợ giúp viên pháp lý, luật sư không trực tiếp xuất trình các giấy tờ nêu tại điểm a hoặc điểm b khoản 1 Điều này để đăng ký bào chữa, tại điểm a hoặc điểm b khoản 2 Điều này đđăng ký người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thì họ phải gửi cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng bản sao có chứng thực Thẻ trợ giúp viên pháp lý hoặc bản sao có chứng thực Thẻ luật sư và văn bản cử người thực hiện trợ giúp pháp lý của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý.

Điều 13. Hiệu lực của việc đăng ký bào chữa, đăng ký người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự

1. Trong tố tụng hình sự, người thực hiện trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng từ giai đoạn nào thì đăng ký bào chữa ở giai đoạn đó và văn bản thông báo người bào chữa có giá trị sử dụng trong suốt quá trình tham gia tố tụng, trừ các trường hợp quy định tại khoản 6 Điều 78 của Bộ luật tố tụng hình sự.

Trong trường hợp phục hồi điều tra, tách, nhập vụ án, chuyển vụ án để điều tra lại trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì người thực hiện trợ giúp pháp lý vẫn tiếp tục tham gia tố tụng cho đến khi kết thúc vụ án. Trường hợp vụ án cần điều tra lại thì phải đăng ký lại việc bào chữa theo thủ tục quy định tại khoản 1 Điều 12 của Thông tư liên tịch này.

2. Trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, giấy yêu cầu người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự có xác nhận của Tòa án đang thụ lý vụ việc có giá trị sử dụng trong quá trình tham gia tố tụng.

Trường hợp tách, nhập vụ án thì người thực hiện trợ giúp pháp lý tiếp tục tham gia tố tụng cho đến khi kết thúc vụ án. Trường hợp vụ án xét xử lại thì phải đăng ký lại người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự theo thủ tục quy định tại khoản 2 Điều 12 của Thông tư liên tịch này.

3. Trường hợp người thực hiện trợ giúp pháp lý bị thay thế theo quy định của pháp luật về tố tụng, pháp luật về trợ giúp pháp lý thì việc đăng ký bào chữa, đăng ký người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự được thực hiện theo quy định tại Điều 12 của Thông tư liên tịch này.

Điều 14. Từ chối việc đăng ký bào chữa, đăng ký người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự

1. Trong tố tụng hình sự, trường hợp cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng từ chối việc đăng ký bào chữa cho người thực hiện trợ giúp pháp lý khi thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 78 của Bộ luật tố tụng hình sự thì thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do từ chối cho tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý.

2. Trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, Tòa án từ chối đăng ký người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự cho người thực hiện trợ giúp pháp lý theo khoản 5 Điều 75 của Bộ luật tố tụng dân sựkhoản 5 Điều 61 của Luật tố tụng hành chính thì phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do từ chối cho tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý.

Điều 15. Thông báo hủy bỏ việc đăng ký bào chữa

Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi hủy bỏ việc đăng ký bào chữa theo quy định của pháp luật về tố tụng thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do hủy bỏ cho tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và người thực hiện trợ giúp pháp lý.

Chương V

HỘI ĐỒNG PHỐI HỢP LIÊN NGÀNH VỀ TRỢ GIÚP PHÁP LÝ TRONG HOẠT ĐỘNG TỐ TỤNG

Điều 16. Thành lập Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng ở Trung ương

1. Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng ở Trung ương (sau đây viết tắt là Hội đồng phối hợp liên ngành Trung ương) giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao thống nhất chỉ đạo phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng.

2. Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định thành lập Hội đồng phối hợp liên ngành Trung ương sau khi thống nhất về nhân sự với liên ngành ở Trung ương.

Bộ Tư pháp là cơ quan thường trực của Hội đồng phối hợp liên ngành Trung ương, có trách nhiệm điều phối hoạt động của Hội đồng phối hợp liên ngành Trung ương. Hội đồng sử dụng con dấu của Bộ Tư pháp.

3. Hội đồng phối hợp liên ngành Trung ương có không quá 08 người, gồm các thành phần sau đây:

a) Bộ trưởng Bộ Tư pháp làm Chủ tịch Hội đồng;

b) Thứ trưởng Bộ Tư pháp làm Phó Chủ tịch Hội đồng;

c) Thứ trưởng Bộ Công an, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thứ trưởng Bộ Tài chính, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao làm Ủy viên Hội đồng;

d) Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý thuộc Bộ Tư pháp làm Ủy viên Hội đồng.

4. Thành viên Hội đồng phối hợp liên ngành Trung ương làm việc theo chế độ kiêm nhiệm.

5. Các phiên họp của Hội đồng phối hợp liên ngành Trung ương mời đại diện của Liên đoàn Luật sư Việt Nam tham dự; mời đại diện các cơ quan có liên quan khác (nếu thấy cần thiết) tham dự theo ý kiến của Chủ tịch Hội đồng phối hợp liên ngành Trung ương.

Điều 17. Nhiệm vụ của Hội đồng phối hợp liên ngành Trung ương

1. Hội đồng phối hợp liên ngành Trung ương có nhiệm vụ giúp lãnh đạo liên ngành thực hiện các hoạt động sau:

a) Kiến nghị hoàn thiện thể chế pháp luật về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng;

b) Xây dựng, ban hành và đôn đốc việc triển khai kế hoạch phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng ở Trung ương;

c) Nghiên cứu, chỉ đạo, hướng dẫn, theo dõi và kiểm tra việc thực hiện phối hợp trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng;

d) Thực hiện chế độ thống kê, báo cáo theo quy định của pháp luật và theo yêu cầu của các cơ quan có thẩm quyền;

đ) Thực hiện sơ kết, tổng kết việc triển khai Thông tư liên tịch này;

e) Đề xuất Bộ trưởng Bộ Tư pháp khen thưởng theo quy định của pháp luật;

g) Đề xuất lãnh đạo các ngành xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật;

h) Thực hiện nhiệm vụ khác để giải quyết các vấn đề và tăng cường hiệu quả phối hợp trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng.

2. Thành viên của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao thuộc Hội đồng phối hợp liên ngành Trung ương có trách nhiệm giúp lãnh đạo ngành mình thực hiện các các nhiệm vụ sau:

a) Thực hiện nhiệm vụ quy định tại các điểm a, c, d, đ, e, g và h khoản 1 Điều này;

b) Phối hợp với cơ quan thường trực Hội đồng phối hợp liên ngành Trung ương thực hiện các nhiệm vụ của Hội đồng quy định tại khoản 1 Điều này;

c) Chỉ đạo các cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền của cơ sở giam giữ, trại giam thuộc ngành mình thực hiện trách nhiệm quy định tại Thông tư liên tịch này, ban hành các văn bản của ngành về phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng;

d) Chỉ đạo tổ chức tập huấn cho người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thuộc ngành mình về phối hợp trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng.

3. Thành viên của Bộ Tài chính thuộc Hội đồng phối hợp liên ngành Trung ương có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ quy định tại các điểm c, e, g và h khoản 1 và điểm b khoản 2 Điều này.

4. Thành viên của Bộ Tư pháp thuộc Hội đồng phối hợp liên ngành Trung ương có trách nhiệm giúp lãnh đạo ngành mình thực hiện các nhiệm vụ sau:

a) Thực hiện các nhiệm vụ quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Chỉ đạo, tổ chức tập huấn cho thành viên Tổ giúp việc cho Hội đồng phối hợp liên ngành Trung ương; thành viên Hội đồng và Tổ giúp việc cho Hội đồng phối hợp liên ngành địa phương; người thực hiện trợ giúp pháp lý; người có thẩm quyền tiến hành tố tụng về phối hợp trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng.

Điều 18. Tổ giúp việc cho Hội đồng phối hợp liên ngành Trung ương

1. Chủ tịch Hội đồng phối hợp liên ngành Trung ương quyết định thành lập Tổ giúp việc cho Hội đồng phối hợp liên ngành Trung ương để giúp các thành viên Hội đồng phối hợp liên ngành Trung ương thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Điều 17 của Thông tư liên tịch này.

2. Tổ giúp việc cho Hội đồng phối hợp liên ngành Trung ương gồm đại diện lãnh đạo các đơn vị chức năng của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Tổ trưởng Tổ giúp việc cho Hội đồng phối hợp liên ngành Trung ương là Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý thuộc Bộ Tư pháp.

3. Tổ giúp việc cho Hội đồng phối hợp liên ngành Trung ương làm việc theo chế độ kiêm nhiệm.

Điều 19. Thành lập Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng ở địa phương

1. Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây viết tắt là Hội đồng phối hợp liên ngành địa phương) giúp Giám đốc Sở Tư pháp, Giám đốc Công an, Giám đốc Sở Tài chính, Chánh án Tòa án nhân dân và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh; Tư lệnh Quân khu nơi đặt trụ sở, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh (đối với địa phương không có Bộ Tư lệnh quân khu) hoặc Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng cấp tỉnh (nếu thấy cần thiết) thống nhất chỉ đạo phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng ở địa phương.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập Hội đồng phối hợp liên ngành địa phương trên cơ sở đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp sau khi thống nhất ý kiến với lãnh đạo liên ngành ở địa phương.

Sở Tư pháp là cơ quan thường trực của Hội đồng phối hợp liên ngành địa phương, có trách nhiệm điều phối hoạt động của Hội đồng phối hợp liên ngành địa phương. Hội đồng sử dụng con dấu của Sở Tư pháp.

3. Hội đồng phối hợp liên ngành địa phương có không quá 08 người, gồm các thành phần sau đây:

a) Giám đốc Sở Tư pháp làm Chủ tịch Hội đồng;

b) Phó Giám đốc Sở Tư pháp phụ trách công tác trợ giúp pháp lý (nếu có) làm Phó Chủ tịch Hội đồng;

c) Đại diện lãnh đạo các cơ quan: Công an, Tài chính, Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh; Văn phòng Bộ Tư lệnh Quân khu nơi đặt trụ sở, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh (đối với địa phương không có Bộ Tư lệnh Quân khu) hoặc Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng cấp tỉnh (nếu thấy cần thiết) làm Ủy viên Hội đồng;

d) Giám đốc Trung tâm làm Ủy viên Hội đồng.

4. Thành viên Hội đồng phối hợp liên ngành địa phương làm việc theo chế độ kiêm nhiệm.

5. Các phiên họp của Hội đồng phối hợp liên ngành địa phương mời đại diện Đoàn Luật sư, Cơ quan điều tra hình sự khu vực trong Quân đội nhân dân, trại tạm giam tham dự; mời đại diện các cơ quan có liên quan khác (nếu thấy cần thiết) tham dự theo ý kiến của Chủ tịch Hội đồng phối hợp liên ngành địa phương.

Điều 20. Nhiệm vụ của Hội đồng phối hợp liên ngành địa phương

1. Hội đồng phối hợp liên ngành địa phương có trách nhiệm giúp lãnh đạo các ngành ở địa phương thực hiện các nhiệm vụ sau:

a) Xây dựng, ban hành và triển khai kế hoạch phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng ở địa phương;

b) Nghiên cứu, chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, theo dõi và kiểm tra việc thực hiện phối hợp trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng;

c) Thực hiện chế độ thống kê, báo cáo theo quy định của pháp luật và theo yêu cầu của các cơ quan có thẩm quyền;

d) Sơ kết, tổng kết việc triển khai Thông tư liên tịch này;

đ) Đề xuất Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh khen thưởng theo quy định của pháp luật;

e) Đề xuất lãnh đạo các ngành xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật;

g) Thực hiện nhiệm vụ khác để giải quyết các vấn đề và tăng cường hiệu quả phối hợp trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng.

2. Thành viên của các cơ quan: Công an, Quốc phòng, Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh; Văn phòng Bộ Tư lệnh Quân khu nơi đặt trụ sở, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh (đối với địa phương không có Bộ Tư lệnh Quân khu) hoặc Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng cấp tỉnh (nếu thấy cần thiết) thuộc Hội đồng phối hợp liên ngành địa phương có trách nhiệm giúp lãnh đạo ngành mình ở địa phương thực hiện các nhiệm vụ sau:

a) Thực hiện nhiệm vụ quy định tại các điểm b, c, d, đ, e, g khoản 1 và khoản 5 Điều này;

b) Phối hợp với cơ quan thường trực Hội đồng phối hợp liên ngành địa phương thực hiện các nhiệm vụ của Hội đồng quy định tại khoản 1 Điều này;

c) Chỉ đạo các cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thuộc ngành mình thực hiện trách nhiệm quy định tại Thông tư liên tịch này, ban hành văn bản của ngành và thực hiện các yêu cầu của Hội đồng phối hợp liên ngành địa phương về phối hợp trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng;

d) Chỉ đạo tổ chức tập huấn cho người có thẩm quyền tiến hành tố tụng của ngành mình về phối hợp trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng.

3. Thành viên của Sở Tài chính thuộc Hội đồng phối hợp liên ngành địa phương có trách nhiệm giúp lãnh đạo ngành mình thực hiện các nhiệm vụ quy định tại các điểm b, đ, e và g khoản 1 và điểm b khoản 2 Điều này.

4. Thành viên của Sở Tư pháp thuộc Hội đồng phối hợp liên ngành địa phương có trách nhiệm giúp lãnh đạo Sở thực hiện các nhiệm vụ sau:

a) Thực hiện các nhiệm vụ quy định tại khoản 1 và khoản 5 Điều này;

b) Chỉ đạo, tổ chức tập huấn cho Tổ giúp việc cho Hội đồng phối hợp liên ngành địa phương; người thực hiện trợ giúp pháp lý; người có thẩm quyền tiến hành tố tụng về phối hợp trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng.

5. Hàng năm, các ngành là thành viên Hội đồng phối hợp liên ngành địa phương có trách nhiệm báo cáo về kết quả triển khai Thông tư liên tịch này gửi cơ quan thường trực của Hội đồng phối hợp liên ngành địa phương. Việc báo cáo được thực hiện 02 lần: lần 1 gồm báo cáo nội dung triển khai Thông tư liên tịch này và số liệu được tổng hợp từ Sổ theo dõi vụ việc trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng theo Mu số 05 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch này, số liệu được lấy từ ngày 01/01 đến ngày 31/10 hàng năm; lần 2 chỉ báo cáo số liệu được tổng hợp từ Sổ theo dõi vụ việc trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng theo Mu số 05 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch này, số liệu được lấy từ ngày 01/01 đến ngày 31/12 hàng năm. Thời hạn nhận báo cáo theo quy định về thống kê của Bộ Tư pháp.

Cơ quan thường trực của Hội đồng phối hợp liên ngành địa phương có trách nhiệm tổng hợp, xây dựng báo cáo về kết quả triển khai Thông tư liên tịch này gửi cơ quan thường trực Hội đồng phối hợp liên ngành Trung ương. Việc báo cáo được thực hiện 02 lần: lần 1 gồm báo cáo nội dung và số liệu được lấy từ ngày 01/01 đến ngày 31/10 hàng năm theo các Mu số 06A và 06B ban hành kèm theo Thông tư liên tịch này; ln 2 chỉ báo cáo số liệu theo Mu số 06C ban hành kèm theo Thông tư liên tịch này, số liệu được lấy từ ngày 01/01 đến ngày 31/12 hàng năm. Thời hạn nhận báo cáo theo quy định về thống kê của Bộ Tư pháp.

Điều 21. Tổ giúp việc cho Hội đồng phối hợp liên ngành địa phương

1. Chủ tịch Hội đồng phối hợp liên ngành địa phương quyết định thành lập Tổ giúp việc cho Hội đồng phối hợp liên ngành địa phương để giúp các thành viên Hội đồng phối hợp liên ngành địa phương thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Điều 20 của Thông tư liên tịch này.

2. Tổ giúp việc cho Hội đồng phối hợp liên ngành địa phương gồm có lãnh đạo Trung tâm, đại diện của các cơ quan: Công an, Tài chính, Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh; Văn phòng Bộ Tư lệnh Quân khu nơi đặt trụ sở, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh (đối với địa phương không có Bộ Tư lệnh quân khu) hoặc Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng cấp tỉnh (nếu thấy cần thiết). Tổ trưởng Tổ giúp việc cho Hội đồng phối hợp liên ngành địa phương là Giám đốc Trung tâm.

3. Tổ giúp việc cho Hội đồng phối hợp liên ngành địa phương làm việc theo chế độ kiêm nhiệm.

Chương VI

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 22. Trách nhiệm thực hiện

Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Tòa án nhân dân cấp cao và Viện kiểm sát nhân dân cấp cao; Sở Tư pháp, Sở Tài chính, Công an, Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh; Bộ Tư lệnh quân khu, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh (đối với địa phương không có Bộ Tư lệnh quân khu) hoặc Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng cấp tỉnh (nếu thấy cần thiết) có trách nhiệm:

1. Quán triệt, chỉ đạo, theo dõi, kiểm tra các đơn vị có liên quan do mình quản lý trong việc triển khai thực hiện đầy đủ các nội dung quy định tại Thông tư liên tịch này.

2. Thực hiện nhiệm vụ của các ngành thành viên theo quy định tại Thông tư liên tịch này.

3. Lập dự toán kinh phí theo quy định tại khoản 4 Điều 23 của Thông tư liên tịch này.

Điều 23. Kinh phí thực hiện

1. Kinh phí phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng của mỗi cơ quan, đơn vị theo Thông tư liên tịch này được lập dự toán chung trong kinh phí ngân sách nhà nước cấp hàng năm cho mỗi cơ quan, đơn vị.

2. Kinh phí phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng bao gồm:

a) Kinh phí sơ kết, tổng kết, kiểm tra, đánh giá, sao chụp tài liệu phối hợp về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng ở Trung ương và địa phương;

b) Kinh phí đặt Bảng thông tin, Tờ thông tin về trợ giúp pháp lý, Hộp tin trợ giúp pháp lý, tờ gấp pháp luật và các tài liệu khác có liên quan; cung cấp băng ghi âm, đĩa ghi âm hoặc USB có chứa nội dung thông tin về trợ giúp pháp lý dạng âm thanh (MP3, WMA hoặc WMV);

c) Kinh phí in ấn Sổ theo dõi vụ việc trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng và các mẫu ban hành kèm theo Thông tư liên tịch này;

d) Kinh phí tổ chức tập huấn cho thành viên Hội đồng phối hợp liên ngành Trung ương, địa phương và Tổ giúp việc cho Hội đồng; người thực hiện trợ giúp pháp lý; người có thẩm quyền tiến hành tố tụng;

đ) Kinh phí chi khen thưởng cho thành viên Hội đồng phối hợp liên ngành Trung ương, địa phương và thành viên Tổ giúp việc cho Hội đồng thực hiện theo quy định của pháp luật về thi đua khen thưởng;

e) Kinh phí bồi dưỡng cho thành viên Hội đồng phối hợp liên ngành ở Trung ương, địa phương và Tổ giúp việc cho Hội đồng theo quy định tại khoản 3 Điều này;

g) Kinh phí chi cho các hoạt động khác để tăng cường hiệu quả phối hợp trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng.

3. Thành viên Hội đồng phối hợp liên ngành ở Trung ương, địa phương và thành viên Tổ giúp việc cho Hội đồng được hưởng bồi dưỡng là 0,3 mức lương cơ sở/người/tháng.

4. Trách nhiệm lập dự toán kinh phí

Việc lập dự toán kinh phí phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

a) Cơ quan thường trực Hội đồng phối hợp liên ngành Trung ương và địa phương có trách nhiệm lập dự toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho hoạt động của Hội đồng phối hợp liên ngành, tổng hợp vào dự toán của cơ quan, đơn vị mình gửi cơ quan tài chính theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

Bộ Tư pháp (Cục Trợ giúp pháp lý) lập dự toán kinh phí thực hiện các nhiệm vụ phối hợp trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý ở Trung ương (nội dung quy định tại các điểm a, d, đ, e, g khoản 2 Điều này); Sở Tư pháp (Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước) lập dự toán kinh phí thực hiện các nhiệm vụ phối hợp trợ giúp pháp lý ở địa phương (nội dung quy định tại khoản 2 Điều này) theo quy định hiện hành về phân cấp ngân sách nhà nước.

b) Kinh phí/thực hiện nhiệm vụ tại các điểm a và d khoản 2 Điều này của thành viên Hi đồng phối hợp liên ngành Trung ương và địa phương (Công an, Quốc phòng, Tài chính, Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân) thuộc chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị nào thì cơ quan, đơn vị đó lập dự toán kinh phí thực hiện, tổng hợp vào dự toán của cơ quan, đơn vị mình gửi cơ quan chủ quản (nếu có) tổng hợp gửi cơ quan tài chính theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

Điều 24. Điều khoản chuyển tiếp

Hội đồng phối hợp liên ngành Trung ương và địa phương được thành lập theo quy định tại Thông tư liên tịch số 11/2013/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC ngày 04 tháng 7 năm 2013 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thực hiện một số quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng tiếp tục hoạt động theo quy định của Thông tư liên tịch này.

Trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày Thông tư liên tịch này có hiệu lực, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm kiện toàn Hội đồng phối hợp liên ngành địa phương theo quy định của Thông tư liên tịch này.

Điều 25. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư liên tch này có hiệu lực thhành từ ngày 01 tháng 9 năm 2018.

2. Thông tư liên tịch này thay thế Thông tư liên tịch số 11/2013/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC ngày 04 tháng 7 năm 2013 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thực hiện một số quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng.

3. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc hoặc có vấn đề mới phát sinh, các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan có trách nhiệm phản ánh với Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao để xem xét, hướng dẫn thực hiện hoặc sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

 

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ CÔNG AN
THỨ TRƯỞNG




Thượng tướng Lê Quý Vương

 

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ TƯ PHÁP
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Khánh Ngọc

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ QUỐC PHÒNG
THỨ TRƯỞNG




Thượng tướng Lê Chiêm

 

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ TÀI CHÍNH
THỨ TRƯỞNG




Đỗ Hoàng Anh Tuấn

KT. CHÁNH ÁN TÒA ÁN
NHÂN DÂN TỐI CAO
PHÓ CHÁNH ÁN




Nguyễn Trí Tuệ

KT. VIỆN TRƯỞNG VIỆN KIỂM SÁT
NHÂN DÂN TỐI CAO
PHÓ VIỆN TRƯỞNG




Trần Công Phàn


Nơi nhận:
- Ban Bí thư TW Đảng;
- Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng TW và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Quốc hội; Văn phòng Chủ tịch nước;
- Cơ quan TW của các đoàn thể;
- Sở Tư pháp, Sở Tài chính, Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- TAND, VKSND cấp cao; TAND, VKSND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Bộ tư lệnh quân khu; Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội; Bộ Chỉ huy quân sự, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng các tỉnh, thành phố
trực thuộc TW;
- Các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp;
- Công báo; Cổng thông tin điện tử của Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, TAND tối cao, VKSND tối cao;
- Lưu: VT Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, TAND tối cao, VKSND tối cao, Cục TGPL - Bộ Tư pháp.

 

Thời khoá biểu - PCCM

Thông kê

mod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_counter
mod_vvisit_counterHôm nay8
mod_vvisit_counterHôm qua99
mod_vvisit_counterTuần này504
mod_vvisit_counterTuần trước744
mod_vvisit_counterTháng này388
mod_vvisit_counterTháng trước4000
mod_vvisit_counterTất cả216408



Trường Tiểu Học Lộc Thọ.

Copyright @ c1ltho.nt@khanhhoa.edu.vn
Tell:0584526729