THỰC HIỆN DẠY HỌC THEO GÓC
Ngày 12/02/2012, Trường Tiểu học Lộc Thọ tiến hành dạy học theo góc sau khi đã triển khai lí thuyết. Đây là một hoạt động chuyên môn của trường nhằm tổ chức cho học sinh hình thức học tập đa dạng hơn. Theo đó, học sinh thực hiện các nhiệm vụ khác nhau tại các vị trí cụ thể trong không gian lớp học.
Học theo góc thể hiện sự đa dạng, do đó học sinh có sở thích và năng lực khác nhau, nhịp độ học tập và phong cách học khác nhau đều có thể tự tìm cách để thích ứng và thể hiện năng lực mình. Điều này cho phép giáo viên giải quyết vấn đề đa dạng trong hoạt động học tập của học sinh.
Bài Năng lượng được tổ chức hoạt động dưới ba góc:
1/ Góc trải ngiệm: Học sinh làm thí nghiệm, sưu tầm tranh ảnh, tài liệu liên quan bài học, thông qua vốn hiểu biết thực tế để rút ra kết kuận.
2/ Góc quan sát: Học sinh quan sát băng hình, tranh ảnh, vật thật, bản đồ, biểu đồ, ... hoặc mô tả, giải thích hiện tượng để rút ra kết luận.
3/ Góc phân tích: Học sinh đọc tài liệu, sách giáo khoa, sách tham khảo để thu nhận kiến thức.
Sau khi các nhóm đã luân chuyển đủ các góc để học tập, giáo viên tổ chức cho học sinh tham quan kết quả làm việc của mỗi nhóm ở các góc.
Đại diện học sinh ở các góc (vòng cuối) trình bày kết quả học tập theo nhiệm vụ được giao.
Nhìn chung, khi thực hiện nhiệm vụ tại các góc, học sinh sẽ bị cuốn hút vào việc học tập tích cực, không chỉ với việc thực hành các nội dung học tập mà còn khám phá các cơ hội học tập mới mẻ. Việc trải nghiệm và khám phá trong học tập sẽ có nhiều cơ hội được phát huy hơn. Học sinh sẽ có cảm giác gần gũi hơn với tư liệu học tập. Mỗi học sinh đều có cơ hội để phát triển năng lực cá nhân theo những cách khác nhau.
Tuy nhiên không gian lớp học là một vấn đề cần quan tâm khi tổ chức học theo góc. Bên cạnh đó, rất cần nhiều thời gian cho hoạt động học tập. Vì vậy, khâu chuẩn bị bài dạy của giáo viên phải thật sự chu đáo, sáng tạo.
Tin, bài: Trà Kim Thanh Chi
|